- Trang chủ
- Biên Niên Ký Chim Vặn Dây Cót
- Chương 95: Chương 37
Tác giả: Haruki Murakami
37
Hai loại tin khác nhau
♦
Vật biến mất
- Quế đã đưa cậu về đây, - Nhục đậu khấu nói.
Điều đầu tiên tôi nhận thấy khi thức dậy là đau, đau dưới nhiều dạng khác nhau, méo mó. Con dao đã làm tôi bị thương, mọi khớp sụn, mọi khớp xương, cơ bắp trong thân thể tôi đều khiến tôi đau. Hẳn là nhiều bộ phận thân thể tôi đã va mạnh vào vật này vật khác trong lúc tôi bỏ chạy trong bóng tối. Thế nhưng hình dạng của mỗi cái đau khác nhau đó vẫn chưa đúng hẳn. Chúng đâu như gần với cái đau, nhưng không thể gọi đích xác là cái đau.
Kế đó tôi nhận ra mình đang nằm dài trên ghế sofa trong "phòng chỉnh lý" của Dinh, mặc bộ pyjama màu xanh lính thủy mà tôi chưa thấy bao giờ, mình đắp chăn. Rèm mở toang, ánh mặt trời buổi sáng tuôn vào qua cửa sổ. Tôi đoán bây giờ chắc khoảng 10 giờ. Không khí nơi đây thật trong lành, và thời gian thì vẫn đang trôi về phía trước. Nhưng vì sao tất cả những chuyện đó lại xảy ra được, tôi không sao lý giải rõ ràng.
- Quế đã đưa cậu về đây, - Nhục đậu khấu nói. - Mấy vết thương của cậu không nặng lắm. Vết trên vai khá sâu, nhưng không phạm đến mạch máu chính nào, cũng may. Những vết trên mặt thì chỉ là trầy xước. Quế đã dùng kim chỉ khâu các vết thương khác sao cho cậu không bị sẹo. Chuyện ấy thì nó giỏi lắm. Ít hôm nữa cậu có thể tự tháo chỉ được, không thì nhờ bác sĩ.
Tôi cố nói, nhưng không thốt được tiếng nào. Tôi chỉ làm được mỗi một việc là hít vào rồi thở ra nghe rin rít chói tai.
- Cậu khoan hãy cố nói hay cử động thì tốt hơn, - Nhục đậu khấu nói. Bà ngồi trên chiếc ghế gần đó, hai chân bắt tréo. - Quế bảo cậu đã ở dưới giếng quá lâu, thiếu chút nữa là đã chết rồi. Nhưng đừng hỏi tôi đã xảy ra chuyện gì. Tôi chẳng biết gì hết. Nửa đêm có cú điện thoại gọi tôi, tôi bèn gọi taxi rồi ù té tới đây ngay. Cụ thể chuyện gì xảy ra trước đó thì tôi không biết. Quần áo cậu ướt sũng, toàn là máu. Chúng tôi quăng đi rồi.
Nhục đậu khấu ăn mặc đơn sơ hơn mọi khi, có lẽ đúng là bà đã quáng quàng ra khỏi nhà thật. Bà mặc áo len ca-sơ-mia màu kem khoác ngoài áo sơ-mi nam giới kẻ sọc, váy len màu xanh ôliu, không nữ trang, tóc buộc đằng sau. Bà trông hơi mệt mỏi, nhưng trừ cái đó ra thì bà trông như người mẫu trong cataloug ảnh. Bà ột điếu thuốc lên môi rồi châm lửa bằng chiếc bật lửa bằng vàng, làm phát ra tiếng tách rõ rệt, khô khốc quen thuộc, đoạn hít mấy hơi, mắt nheo nheo lại. Tôi đúng là chưa chết thật, tôi tự trấn an mình khi nghe tiếng tách của cái bật lửa. Hẳn là Quế đã kéo tôi lên khỏi giếng đúng vào phút chót.
- Quế hiểu biết mọi chuyện theo một kiểu đặc biệt, - Nhục đậu khấu nói. - Khác với tôi hay cậu, nó luôn luôn suy nghĩ rất sâu xa về khả năng xảy ra chuyện này hay chuyện khác. Nhưng ngay cả nó cũng không tưởng tượng nổi nước lại dâng đầy cái giếng đó đột ngột đến thế. Chuyện đó nằm ngoài mọi khả năng mà nó đã tiên liệu. Chính vì vậy mà suýt nữa là cậu mất mạng rồi. Đây là lần đầu tiên tôi thấy thằng bé hoảng hốt đến thế.
Bà cố mỉm cười khi nói như vậy.
- Hẳn là nó thật sự thích cậu, - bà nói.
Sau đó bà nói gì tôi không nghe được nữa. Tôi nghe đau ở sâu đằng sau mắt, mí mắt tôi nặng như chì. Tôi cứ để mắt díp lại mà đắm vào trong bóng tối như đang đi xuống bằng buồng thang máy.
° ° °
Phải mất hai ngày cơ thể tôi mới hồi phục lại. Suốt thời gian đó Nhục đậu khấu luôn ở bên tôi. Tôi không tự dậy được, không nói được, gần như không ăn được. Cố lắm tôi cũng chỉ hớp nổi vài hớp nước cam và nhấm vài miếng đào đóng hộp. Ban đêm Nhục đậu khấu về nhà, sáng ra lại đến. Thế cũng tốt, bởi vì suốt đêm - và hầu như suốt cả ngày nữa tôi ngủ như chết - tôi bị nhiễm cái lạnh ngoài trời. Rõ ràng ngủ là thứ tôi cần nhất để có thể hồi phục.
Tôi không hề gặp Quế. Hình như Quế cố tình tránh mặt tôi. Ngày nào tôi cũng nghe tiếng xe anh ta qua cổng mỗi khi đưa đón Nhục đậu khấu hoặc mang tới đồ ăn, quần áo - nghe cái tiếng ùng ục trầm trầm đặc biệt của động cơ xe Porsche, bởi cậu ta đã thôi dùng chiếc Mercedes, - nhưng cậu ta không vào bên trong. Cậu trao mọi thứ cho Nhục đậu khấu ở cửa trước rồi lại đi.
- Sắp tới chúng tôi sẽ dẹp bỏ chỗ này, - Nhục đậu khấu bảo tôi. - Tôi sẽ lại phải tự mình chăm lo cho các quý bà kia. Ờ, phải. Chắc cái số tôi nó thế. Tôi sẽ cứ phải tiếp tục chừng nào chưa kiệt sức - chừng nào chưa cạn sạch. Còn cậu, có lẽ cậu sẽ không còn gì phải liên quan đến chúng tôi nữa. Khi chuyện này đã qua và cậu đã bình phục, tốt nhất là cậu hãy quên chúng tôi đi, càng sớm càng tốt. Bởi vì... Ừ nhỉ, còn chuyện này tôi quên chưa cho cậu biết. Về anh vợ cậu ấy mà. Wataya Noboru.
Nhục đậu khấu đem một tờ báo từ phòng bên sang, giở ra giữa bàn.
- Quế vừa mới mang tờ báo về thôi. Anh vợ cậu bị đột quỵ đêm qua ở Nagasaki. Người ta đưa ông ấy vào bệnh viện, nhưng đến giờ ông ấy vẫn bất tỉnh. Người ta không biết liệu ông ấy có tỉnh lại nữa hay không.
Nagasaki ư? Tôi khó lòng hiểu bà ta đang nói gì. Tôi muốn nói, nhưng lời lẽ không bật ra được. Wataya Noboru lẽ ra phải đột quỵ ở Akasaka chứ không phải Nagasaki. Sao lại Nagasaki?
- Ông ấy diễn thuyết ở Nagasaki, - Nhục đậu khấu nói tiếp, - sau đó trong khi đang ăn tối với các nhà tổ chức thì bỗng đột quỵ. Người ta đưa ông ấy đến bệnh viện gần đó. Người ta cho rằng có lẽ đó là một loại tai biến mạch máu não, chắc là vì một khiếm khuyết bẩm sinh ở mạch máu trong não. Báo chí cho biết ông ấy sẽ phải nằm liệt giường một thời gian, rằng dù có tỉnh lại có lẽ ông ấy cũng không nói được, rằng rất có thể sự nghiệp chính trị của ông ấy đến đây là hết. Thật đáng tiếc, ông ấy còn trẻ quá. Tôi để tờ báo lại đây. Khi nào thấy khỏe hơn thì cậu tự đọc.
Phải mất một lúc tôi mới chấp nhận được cái hiện tại kia là sự thực. Những hình ảnh tin tức tivi mà tôi đã thấy trong tiền sảnh khách sạn vẫn còn in sâu, quá sống động rõ ràng trong ý thức tôi: văn phòng của Wataya Noboru ở Asakasa, cảnh sát bu chật ních, cổng trước bệnh viện, nét nghiêm trọng của người dẫn chương trình, vẻ căng thẳng trong giọng anh ta. Tuy nhiên, dần dần, từng tí một, tôi đã có thể thuyết phục được chính mình rằng những gì tôi từng thấy kia là những tin tức chỉ tồn tại trong thế giới khác. Trong thực tại, ở thế giới này, tôi đã không đánh Wataya Noboru bằng gậy bóng chày. Trong thực tại, tôi sẽ không bị cảnh sát thẩm vấn hay bị bắt vì phạm tội. Hắn đã đột quỵ trước bàn dân thiên hạ, vì tai biến mạch máu não. Chẳng có tội phạm nào hết, không thể có tội phạm nào cả. Ý nghĩ đó khiến tôi có thể thở phào nhẹ nhõm. Dù gì đi nữa, hung thủ được mô tả trên truyền hình kia có nhân dạng giống tôi như đúc, thành thử tôi không có bằng chứng ngoại phạm.
Chắc hẳn phải có mối liên quan nào đó giữa việc tôi đã đánh chết kẻ nào đó ở thế giới kia với việc Wataya Noboru đột quỵ. Rõ ràng tôi đã giết chết một cái gì đó ở bên trong hắn hay một cái gì đó có liên quan chặt chẽ với hắn. Ắt là hắn đã tiên cảm được điều đó sẽ xảy ra. Tuy nhiên, việc tôi làm đã không đoạt được sinh mạng của Wataya Noboru. Hắn vẫn cứ sống ngay bên bờ vực cái chết. Lẽ ra tôi phải đẩy luôn hắn xuống vực kia. Chuyện gì sẽ xảy ra với Kumiko đây? Liệu nàng có dứt được khỏi chỗ đó trong khi hắn vẫn sống? Liệu từ trong bóng tối vô thức kia hắn có tiếp tục ám lời nguyền lên Kumiko?
Ý nghĩ của tôi chỉ đi xa được đến ngần ấy. Ý thức tôi chuội đi từng tí một, cho đến khi tôi nhắm mắt lại ngủ thiếp. Tôi mơ một giấc mơ căng thẳng, đứt đoạn. Kano Creta đang bế một đứa bé áp vào ngực. Tôi không thấy mặt đứa bé. Tóc Kano Creta cắt ngắn, cô không trang điểm gì. Cô bảo tôi tên đứa bé là Corsica, và cha đứa bé nửa là tôi nửa kia là Trung úy Mamiya. Cô bảo cô đã không đến đảo Crete mà vẫn ở lại Nhật để sinh và nuôi đứa bé này. Cô vừa nghĩ ra được tên mới cho đứa bé, còn hiện giờ cô đang sống yên bình, trồng rau trên những núi đồi Hiroshima cùng Trung úy Mamiya. Những tin ấy không hề làm tôi ngạc nhiên. Ít nhất là trong giấc mơ tôi đã thấy trước tất cả.
- Kano Malta thế nào từ sau khi tôi gặp cô ấy lần trước? - Tôi hỏi.
Kano Creta không trả lời. Cô chỉ buồn buồn nhìn tôi rồi biến mất.
° ° °
Vào sáng ngày thứ ba tôi đã tự khỏi giường được. Đi đứng thì vẫn còn khó khăn lắm, nhưng tôi đã dần dần nói năng lại được. Nhục đậu khấu nấu cho tôi ít cháo. Tôi ăn cháo rồi thêm ít hoa quả.
- Con mèo sao rồi? - Tôi hỏi bà. Vấn đề này có lúc đã khiến tôi không yên tâm.
- Đừng lo. Quế đang chăm sóc nó. Ngày nào cậu ấy cũng đến nhà cậu để èo ăn và thay nước. Giờ cậu chỉ nên lo lắng cho bản thân mình thôi.
- Bà với cậu ấy định khi nào sẽ dẹp bỏ nhà này?
- Càng sớm càng tốt. Có lẽ trong vòng tháng sau. Chắc là cậu cũng sẽ kiếm được ít tiền đấy. Chắc chúng tôi sẽ phải bán giá thấp hơn một chút so với hồi chúng tôi mua, thành thử cậu sẽ không được nhiều lắm, nhưng phần cậu vẫn là một phần trăm kha khá của số tiền cậu đã trả thế chấp. Sẽ đủ cho cậu sống một thời gian. Nên cậu không phải quá lo về chuyện tiền nong. Cậu xứng đáng được như vậy; nói gì thì nói, cậu đã làm việc tốt ở đây mà.
- Nhà này sẽ bị phá dỡ à?
- Có lẽ vậy. Họ cũng sẽ lấp luôn giếng. Cho nên bây giờ giếng có nước cũng bằng thừa thôi, thời buổi này có ai thích một cái giếng cổ to đùng như thế đâu. Người ta chỉ cần đặt ống và máy bơm điện là xong. Tiện hơn nhiều mà lại choán ít chỗ.
- Chắc chỗ này không bị xúi quẩy nữa đâu, - tôi nói. - Nó sẽ lại là chỉ một lô đất bình thường chứ không phải "nhà có dớp" nữa.
- Có thể cậu nói đúng, - Nhục đậu khấu nói. Bà ngần ngừ một chút rồi cắn môi. - Nhưng chuyện đó không còn liên quan đến tôi hay cậu nữa. Đúng không? Trong mọi trường hợp, điều quan trọng là bây giờ cậu phải nghỉ ngơi, đừng bận tâm đến những chuyện không thực sự đáng kể. Phải mất một thời gian nữa cậu mới hồi phục hoàn toàn đấy.
Nhục đậu khấu chỉ cho tôi bài báo về Wataya Noboru trong tờ báo buổi sáng mà bà mang theo. Chỉ là một bài báo nhỏ, Wataya Noboru vẫn còn mê man, đã được chuyển từ Nagasaki về một bệnh viện đại học lớn ở Tokyo, đang được chăm sóc đặc biệt nhưng tình trạng vẫn không thay đổi. Báo chẳng nói gì hơn ngần đó. Đọc tới đây, dĩ nhiên tôi nghĩ ngay tới Kumiko. Nàng đang ở đâu? Tôi phải quay về nhà. Nhưng tôi vẫn chưa đủ sức để đi bộ một quãng xa đến thế.
Sáng hôm sau tôi cố lê đến bồn rửa mặt và nhìn thấy mình trong gương lần đầu tiên trong ba ngày qua. Tôi trông thật khủng khiếp. Chẳng giống một người sống phờ phạc là mấy, một cái xác được bảo quản tốt thì đúng hơn. Như Nhục đậu khấu đã nói, vết rạch trên má đã được khâu lại bằng những mũi khâu nhà nghề, mép vết thương đều khin khít với đường chỉ trắng. Vết đâm dài ít nhất hai phân rưỡi nhưng không sâu lắm. Khi tôi thử nhăn mặt thì nó cũng căng ra, nhưng chẳng thấy đau mấy. Tôi đánh răng rồi dùng máy cạo râu chạy điện để cạo râu. Tôi chưa đủ tự tin để dùng dao cạo như bình thường. Khi đã rửa sạch bọt cạo râu, tôi khó lòng tin được điều mình nhìn thấy trong gương. Tôi đặt máy cạo râu xuống rồi nhìn kỹ. Vết bầm đã biến mất. Gã đàn ông kia đã dâm vào má phải tôi. Đúng ngay chỗ có vết bầm. Vết đâm vẫn còn đó, nhưng vết bầm không còn nữa. Nó đã biến mất khỏi má tôi không còn một dấu vết nào.
° ° °
Nửa đêm ngày thứ năm, tôi lại nghe tiếng lục lạc reo khe khẽ. Lúc ấy hơn 2 giờ sáng một chút. Tôi trở dậy khỏi sofa, khoác áo cardigan ngoài bộ pyjama rồi ra khỏi phòng chỉnh lý. Băng qua bếp, tôi tiến đến phòng làm việc nhỏ của Quế, ghé nhìn vào. Quế lại đang gọi tôi từ bên trong máy tính. Tôi ngồi xuống bàn đọc thông điệp trên màn hình.
Hiện bạn đã được quyền truy cập chương trình "Biên niên ký sự của Chim vặn dây cót". Chọn một tài liệu (1-17).
Tôi nhấp Số 17, và một tài liệu mở ra trước mắt tôi.